Kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Công đoàn Nông nghiệp và PTNT VN (13/3/1948-13/3/2015)

4 tháng 9, 2016
Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông ngày 14/11/1945,...

 

Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông ngày 14/11/1945, trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, hệ thống tổ chức và lực lượng cán bộ CNVCLĐ ngành nông nghiệp và PTNT ngày càng phát triển, làm nòng cốt cho sự phát triển của phong trào công nhân, công đoàn của ngành

 

Gắn với đó là quá trình hình thành, phát triển của tổ chức công đoàn trong ngành, mà bắt đầu là Công đoàn Canh nông Việt Nam từ năm 1948. Từ đó đến nay lần lượt ra đời, sáp nhập, hợp nhất các công đoàn ngành nhánh, như Công đoàn Nông trường quốc doanh Việt Nam năm 1960; Công đoàn Lâm nghiệp Việt nam 1961; Công đoàn Nông nghiệp Việt Nam 1972; Công đoàn ngành Lương thực và thực phẩm 1974; Công đoàn Thuỷ lợi Việt Nam năm 1978; Công đoàn Cao su Việt Nam 1981; Công đoàn Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 1983; Công đoàn Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm 1987; Công đoàn Thuỷ sản việt Nam 1987 và cuối cùng là Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam ngày 05/4/1997.

 

Thể theo nguyện vọng của cán bộ lãnh đạo, đoàn viên công đoàn trong ngành qua các các thế hệ về việc xác định, chọn ngày truyền thống của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, làm cơ sở để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, xây dựng niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, từ đó phát huy sức mạnh tinh thần, vượt qua khó khăn phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đột xuất năm 2011-2012 về nghiên cứu xây dựng truyền thống Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam.

 

1. Quá trình hình thành và phát triển Bộ Nông nghiệp và PTNT

 

a) Quá trình chia tách hình thành các bộ ngành của ngành Nông nghiệp và PTNT

 

Bộ Nông nghiệp và PTNT được hình thành và phát triển bắt đầu từ Bộ Canh nông (thành lập ngày 14/11/1945). Tháng 2/1955 thành lập Bộ Nông lâm.

 

Cuối năm 1960 tách Bộ Nông lâm thành 4 tổ chức: Bộ Nông nghiệp; Bộ Nông trường; Tổng cục thuỷ sản và Tổng Cục Lâm nghiệp.

 

- Ngày 1/4/1971 thành lập Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương trên cơ sở sáp nhập Bộ Nông Nghiệp, Bộ Nông trường và Ban quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Năm 1976, Uỷ ban đổi tên thành Bộ Nông Nghiệp.

 

- Bộ Lâm nghiệp được hình thành và phát triển từ Nha Lâm chính thuộc Bộ Canh nông (tháng 11/1945). Tổng cục Lâm nghiệp ra đời năm 1960. Bộ Lâm nghiệp thành lập năm 1976.

 

Tổng quan từ năm 1976 đến trước năm 1994, Bộ Lâm nghiệp đã quản lý toàn ngành theo quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn đã được Chính phủ quy định cho Tổng cục Lâm nghiệp.

 

- Bộ Hải sản được thành lập năm 1976 từ Tổng cục Thủy sản. Đến 1981 Bộ hải sản được đổi tên thành Bộ Thủy sản.

 

- Bộ Thuỷ lợi được hình thành ban đầu từ chức năng Thuỷ lợi thuộc Bộ Giao thông Công chính (năm 1945). Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha Công chính ngày 30/4/1953.

 

Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc thành lập tháng 9/1955. Đến tháng 4/1958 thành lập Bộ Thuỷ lợi. Cuối năm 1960 đổi tên Bộ Thuỷ lợi thành Bộ Thuỷ lợi và điện lực. Tháng 12/1962 đổi tên Bộ Thuỷ lợi và Điện lực thành Bộ Thuỷ lợi.

 

- Bộ Lương thực được thành lập theo Nghị quyết ngày 22/1/1981 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

- Bộ Công nghiệp thực phẩm được thành lập theo Nghị quyết 22/1/1981 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

b) Quá trình hợp nhất các bộ ngành trong ngành Nông nghiệp  và PTNT

 

- Năm 1987, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp Việt Nam gắn với chế biến, tiêu thụ theo một quy trình khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, Hội đồng Nhà nước đã có Nghị quyết số 782 NQ HĐNN 7 ngày 16/2/1987 về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm trên cơ sở sáp nhập 3 Bộ: Nông nghiệp, Lương thực, Công nghiệp thực phẩm.

 

Ngày 5/3/1987 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 46-HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. 

 

- Ngày 11/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 63-CP về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ lợi  thay thế Nghị định số 88-CP ngày 6/3/1979, Nghị định 63-CP xác định: "Bộ Thuỷ lợi là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên nước (trừ nước nguyên liệu khoáng và nước địa nhiệt); về quản lý khai thác công trình thuỷ lợi và công tác phòng chống lụt bão, bảo vệ đê điều trong cả nước".

 

- Kế thừa và phát huy thành tựu 10 năm đổi mới tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước, Chính phủ đã có định hướng chuyển từ Bộ quản lý đơn ngành sang mô hình Bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có chức năng gần giống nhau, giảm bớt sự chồng chéo, chia cắt giữa các Bộ để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi và phát triển nông thôn. Từ ngày 3/10-28/10/1995, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá IX thông qua Nghị định về việc thành lập  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp và Thuỷ lợi.

 

Nhiệm vụ chính trị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đặt ra không chỉ là nhiệm vụ của các ngành trước đây về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ lợi một cách riêng rẽ mà còn là sự đòi hỏi cao hơn về việc phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn một cách bền vững, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên đất - nước rừng, gắn chặt hơn nữa sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ lợi với việc phát triển nông thôn với đối tượng phục vụ chủ yếu hơn 60 triệu dân sống ở nông thôn, chiếm gần 78 phần trăm dân số cả nước.

 

- Đến 2007 Quốc hội khóa XI quyết hợp nhất hai Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Thủy sản thành Bộ Nông nghiệp và PTNT (mới).

 

2. Quá trình hình thành Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt nam

 

Cùng với sự hình thành và phát triển Bộ Nông nông nghiệp và PTNT là quá trình hình thành và phát triển của phong trào CNVCLĐ và tổ chức công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT.

 

Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông năm 1945, trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập (như đã nêu ở trên), cơ cấu tổ chức và lực lượng ngành Nông nghiệp và PTNT ngày càng phát triển. Gắn với đó là quá trình hình thành, phát triển của tổ chức Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam.

 

1) Ngày 13 tháng 3 năm 1948, sau 3 năm thành lập Bộ Canh nông, Đại hội công đoàn Canh nông Việt nam đã thông qua Điều lệ Công đoàn Canh nông Việt Nam, gồm 14 điều được quy định tại các khoản mục sau:

 

- Thành lập, mục đích và tôn chỉ: Công đoàn Canh nông Việt Nam là một bộ phận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, gồm tất cả các Công đoàn Canh nông tỉnh, với chức năng, nhiệm vụ là đoàn kết viên chức trong Bộ Canh nông thành một khối, không phân biệt màu sắc chính trị, tôn giáo, để đạt mục đích bảo vệ quyền lợi của viên chức chống những âm mưu và hình thức áp bức bóc lột, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của viên chức, tranh đấu cho độc lập và thống nhất của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chung sức cùng lao động trong nước và thế giới để tranh đấu thực hiện hòa bình và dân chủ trên thế giới;

 

- Quản trị Đại hội công đoàn: Đại hội Công đoàn Canh nông Việt Nam gồm đại biểu Công đoàn Canh nông các tỉnh, mỗi năm khai hội một lần, có thể Đại hội bất thường, Đại hội công đoàn là cơ quan tối cao của Công đoàn Canh nông.

 

- BCH Công đoàn gồm 09 người, Ban thường vụ gồm 5 người;

 

- Bầu Ban kiểm soát gồm 3 người;

 

- Quy định về nguyệt phí;

 

- Quy định bổn phận, quyền lợi của các đoàn viên;

 

- Quy định về kỷ luật; và khoản mục về sưả đổi điều lệ.

 

2) Ngày 19 tháng 12 năm 1960, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ra  Quyết định 126 HC/4 về việc thành lập Công đoàn Nông trường Quốc doanh Việt Nam;

 

3) Tháng 02 năm 1961 Ban Cán sự Công đoàn Lâm nghiệp Việt Nam  chính thức được thành lập và hoạt động giúp cho Tổng Công đoàn Việt Nam chỉ đạo phong trào chung trong lĩnh vực Lâm nghiệp;

 

4) Ngày 29 tháng 5 năm 1972 Tổng Công đoàn Việt Nam ra Quyết định số 357/QĐ-TCĐ về việc thành lập Công đoàn Ngành Nông nghiệp Việt Nam - với chức năng tham gia quản lý kinh tế và xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân trong Ngành;

 

5) Ngày 13 tháng 6 năm 1974, Tổng Công đoàn Việt Nam ra  Quyết định số 65/QĐ-TCĐ về việc thành lập Công đoàn Ngành Lương thực và Thực phẩm Việt Nam;

 

6) Ngày 12 tháng 04 năm 1978, tại Quyết định 1168/QĐ-TCĐ của Tổng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Thuỷ Lợi Việt Nam được thành lập nhằm chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trực thuộc Ngành và Công đoàn Thủy lợi địa phương theo nội dung, trách nhiệm của Công đoàn Ngành Trung ương, phát huy vai trò của Công đoàn Ngành trong việc xây dựng đội ngũ công nhân viên chức và tham gia quản lý kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi của Ngành trong giai đoạn cách mạng mới;

 

7) Ngày 15 tháng 8 năm 1981 Tổng Công đoàn Việt Nam ra quyết định 649/QĐ-TCĐ về việc thành lập Công đoàn Cao su Việt Nam, hệ thống tổ chức được phân thành 02 cấp: 1) Công đoàn Cao su Việt Nam, 2) Công đoàn các xí nghiệp Liên hợp, Công ty, xí nghiệp nông trường và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Cao su là Công đoàn cơ sở. Các CĐCS chịu sự chỉ đạo  của Công đoàn Cao su Việt Nam và Liên hiệp công đoàn địa phương;

 

8) Ngày 21 tháng 05 năm 1983 Công đoàn Công nghiệp thực phẩm Việt Nam được thành lập tại Quyết định 264/QĐ-TCĐ, của Tổng Công đoàn Việt Nam, là tổ chức thống nhất lực lượng đoàn viên, công nhân viên chức trong Ngành Công nghiệp thực phẩm, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Công đoàn Việt Nam;

 

9) Ngày 14 tháng 05 năm 1987 tại Quyết định 212/QĐ-TCĐ, Công đoàn Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm chính thức được thành lập, trên cơ sở sát nhập 3 công đoàn (Nông nghiệp, Lương thực và Công nghiệp thực phẩm). Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Công đoàn Việt Nam, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn Ngành Trung ương;

 

10) Ngày 20 tháng 10 năm 1992, tại Quyết định 646/QĐ-TLĐ, Công đoàn Thuỷ sản Việt Nam được thành lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Công đoàn Thủy sản Việt Nam chỉ đạo trực tiếp công đoàn cơ quan Bộ, công đoàn các đơn vị phân tán, lưu động và một số cơ sở lớn quan trọng của Ngành, đồng thời CĐN chỉ đạo phối hợp với các LĐLĐ địa phương đối với các đơn vị khác trong ngành Thủy sản;

 

11) Năm 1997, để phù hợp với tình hình hoạt động mới của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Công đoàn Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 543/QĐ-TLĐ, ngày 05 tháng 4 năm 1997 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên cơ sở sáp nhập 04 Công đoàn Ngành: 1) Công đoàn Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm; 2) Công đoàn Ngành Lâm nghiệp; 3) Công đoàn Thủy Lợi; 4) Công đoàn Cao su Việt;

 

12) T háng 11/2007 sát nhập tiếp Công đoàn Thủy sản Việt Nam vào Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, thành Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam. Tổ chức bộ máy cơ quan Công đoàn Ngành theo nguyên tắc và thể lệ của Điều lệ Công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 

Với những căn cứ đã nêu trên, Ban Chỉ đạo, Hội đồng tư vấn và Ban Thường vụ Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã họp và thống nhất chọn ngày 13 tháng 3 năm 1948 - ngày ra đời Công đoàn Canh Nông Việt Nam, cũng là ngày thông qua Điều lệ Công đoàn Canh nông Việt Nam – tiền thân của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam ngày nay, là ngày truyền thống của Công đoàn Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, và được Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhất trí tại công văn số 352/CV-BCS, Đoàn Chủ tịch TLĐ Lao động Việt Nam đồng ý tại công văn số 1246/TLĐ ngày 24/8/2012.

 

Việc chọn ngày 13/3/1948 sẽ khẳng định được tính liên tục, kết quả phong trào CNVC,LĐ và hoạt động công đoàn Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trong suốt 67 năm qua

 

Từ năm 1997 đến nay là thời kỳ của Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Trở thành Công đoàn ngành Trung ương rộng lớn bao gồm các lĩnh vực ngành nghề nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, thủy lợi, lâm nghiệp, cao su vào năm 1997, sau đó có cả thủy sản năm 2007, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam bước vào thời kỳ hoạt động mới với khí thế thành công của 10 năm đổi mới và thành tựu to lớn của các công đoàn ngành hợp thành. Trong hơn mười lăm năm từ 1997 đến 2013, Công đoàn Ngành đã kế tiếp truyền thống của các Công đoàn ngành đi trước, hoàn thành chặng đường 65 năm đầy vẻ vang, làm nên những thành tựu để lại cho thế hệ mai sau.

 

Trong hơn mười tám năm hoạt động, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trải qua bốn kỳ đại hội, từ Đại hội I năm 1998 đến Đại hội IV năm 2013. Qua mỗi nhiệm kỳ, đội ngũ công nhân viên chức, lao động không ngừng làm nên những kết quả nổi bật, toàn diện hơn, phát huy sức mạnh tổng hợp trong một thể thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hành động.

 

Phong trào "Thi đua liên kết phục vụ công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn" với nội dung ưu tiên là "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" tiếp tục là nòng cốt, được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trực tiếp chỉ đạo. Cùng với đó là các phong trào ngày càng đa dạng, bám sát nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình đổi mới đất nước, thực hiện các chương trình lớn, như "Chương trình hiện đại hoá nông, lâm, ngư nghiệp", "Phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn để chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn", "Xây dựng và phát triển hạ tầng nông thôn", "Xây dựng quan hệ sản xuất mới", "Xây dựng và phát triển nông thôn mới".

 

Mỗi lĩnh vực, mỗi đơn vị đều xây dựng nội dung thi đua cụ thể, trong đó nổi lên các phong trào đã đi vào cuộc sống, như phong trào "Vì một nền Nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm" do Bộ phát động; phong trào "Ba giảm, ba tăng", "Ba quản, ba bám", "Vững chắc chân đê, xanh hoá thân đê, cứng hoá mặt đê"...  trong nông, lâm nghiệp, thuỷ lợi; phong trào "Mỗi Viện là một khuôn viên khoa học", "Dạy tốt, học tốt, xây dựng môi trường đào tạo lành mạnh"; cuộc vận động "Dân chủ- kỷ cương- tình thương- trách nhiệm", "Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu xã hội" trong khối sự nghiệp khoa học và đào tạo. Trong khối các hành chính có phong trào xây dựng người cán bộ, công chức "Trung thành, Sáng tạo, Tận tụy, Gương mẫu"…

 

Các phong trào thi đua luôn được đông đảo đoàn viên công đoàn, người lao động toàn ngành hưởng ứng, ngày càng bám sát mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiện đại, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn có cơ cấu kinh tế hợp lý, có quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại, mọi người có việc làm, thu nhập và đời sống nhân dân được nâng cao, giàu đẹp, công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Cùng với thi đua, sự nỗ lực đột phá của Công đoàn Nông nghiệp và PTNT còn tạo ra những nét mới, mang lại những thành tựu mới, trong đó có kết quả thành lập các nghiệp đoàn nghề cá ở nhiều tỉnh, thành ven biển. Việc thực hiện thành công Đề án 420 về thành lập nghiệp đoàn của ngư dân đánh cá, chủ động tham gia thành lập và vận động ủng hộ Chương trình "Tấm lưới nghĩa tình" là biểu hiện cụ thể của mong muốn chăm lo bảo vệ người lao động, quyết tâm đổi mới tạo ra đột phá trong công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn của ngành. Việc tuyên truyền, vận động thực hiện Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua Chương trình phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức các cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về ngành cũng là kết quả đổi mới trong hoạt động của Công đoàn Ngành. Mối quan hệ với các tổ chức công đoàn địa phương ngày càng được tăng cường và có hiệu quả, cùng với đó là vai trò, vị thế của Công đoàn ngành trung ương được nâng lên.

 

Mặc dù còn nhiều khiếm khuyết, việc chăm lo cơ sở và người lao động còn hạn chế; phong trào thi đua ở nhiều nơi còn rập khuôn, hình thức; đội ngũ cán bộ công đoàn có nhiều biến động, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chu đáo; hiệu quả hoạt động ở nhiều đơn vị chưa cao; có những giai đoạn tổ chức của Công đoàn chưa chuyển đổi theo kịp với thực tế, lực lượng còn yếu, kết quả hoạt động còn mờ nhạt… nhưng xuyên suốt 67 năm qua, Công đoàn ngành Nông nghiệp Việt Nam dù dưới tên gọi nào, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, đều là người đại diện xứng đáng của công nhân viên chức, lao động trong ngành, tập hợp họ thành đội quân xung kích, giúp ngành tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Truyền thống vẻ vang mà công nhân viên chức, lao động và tổ chức công đoàn ngành qua các thế hệ xây đắp nên có thể đúc kết thành những niềm tự hào sau:

 

Một là, luôn trung thành, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn giữ gìn, phát huy truyền thống, bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam và bản sắc của đội ngũ công nhân nông nghiệp. Không ngừng học tập nâng cao giác ngộ và trình độ chuyên môn, trở thành đội ngũ đoàn viên công đoàn, người lao động có bản lĩnh chính trị, có tri thức khoa học kỹ thuật, năng lực chuyên môn, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ. Là người gắn kết trực tiếp và chặt chẽ nhất với nông dân, đồng hành cũng nông dân trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đội ngũ công nhân viên chức, lao động ngành nông nghiệp Việt Nam không ngừng đi đầu thực hiện liên minh công - nông, phát huy sức mạnh liên kết trong đấu tranh cách mạng, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Hai là, luôn chủ động, sáng tạo, đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Là ngành đa lĩnh vực, nhiều nghề, trải rộng từ rừng núi đến biển đảo, phong trào thi đua của ngành ở bất kỳ giai đoạn nào đều gắn liền và phục vụ nhiệm vụ phát triển ngành, xác định rõ mục tiêu, nội dung cụ thể, đi sâu vào từng lĩnh vực, đơn vị, địa phương, được các cấp ủy đảng lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể các cấp chung tay tổ chức, lôi cuốn không chỉ đội ngũ công nhân viên chức của ngành, mà còn được đông đảo nông dân hưởng ứng, tham gia. Vì vậy, thi đua đã trở thành động lực phát triển, đem lại lợi ích thiết thực, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ, cải thiện điều kiện sản xuất và cuộc sống hàng ngày của người lao động.

 

Ba là, luôn tích cực chủ động tham gia quản lý, xây dựng chính sách pháp luật, thực hiện ngày càng hiệu quả công tác bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động. Trong điều kiện lực lượng phân tán trên nhiều địa bàn, rải rác nhiều vùng sâu, vùng xa, đối mặt với những khó khăn đặc thù, tổ chức công đoàn vẫn luôn quan tâm, luôn cố gắng với nỗ lực cao nhất để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân viên chức, lao động.

 

Bốn là, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, đoàn kết chặt chẽ. Trong bối cảnh có nhiều thay đổi về tổ chức, dù tách ra hay nhập lại, đoàn viên công đoàn và người lao động các ngành luôn gắn kết chặt chẽ với nhau, các cấp công đoàn luôn phối hợp chỉ đạo tốt, phát huy cao độ sức mạnh đa ngành, đa nghề, tập hợp được đông đảo công nhân viên chức, lao động.

 

Năm là, từ đặc thù phân tán và đa ngành, Công đoàn ngành luôn tăng cường liên kết hoạt động trong ngành và với các tổ chức công đoàn địa phương. Từ đó không ngừng phấn đấu tập hợp, phát triển đội ngũ công nhân viên chức, lao động ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Không ngừng kiện toàn và phát triển tổ chức công đoàn kể cả trong những điều kiện khó khăn, phức tạp nhất. Tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

 

Sáu là, tích cực đổi mới tư duy, nội dung, phương pháp tổ chức và chỉ đạo hoạt động, đẩy mạnh cải cách hành chính, ngày càng hướng mạnh về cơ sở và người lao động. Nhờ bám sát thực tiễn đã triển khai thực hiện có kết quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của cơ sở.

 

Mọi thành công trong 67 năm qua của Công đoàn ngành Nông nghiệp Việt Nam có được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Cán sự đảng Bộ qua các thời kỳ, của các cấp uỷ đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời, nhờ hoạt động công đoàn đã xuất phát và gắn chặt với nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; liên kết được sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, dựa trên nền tảng đoàn kết, năng động, sáng tạo, trách nhiệm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn các cấp; nhờ có phương pháp hoạt động hiệu quả, linh hoạt và giữ vững nguyên tắc, luôn hướng về cơ sở. Đó là những bài học sâu sắc rút ra từ thực tế. Kết thúc nhiệm kỳ 2008 - 2013, nhân dịp kỷ niệm 67 năm thành lập, Công đoàn Ngành và lực lượng công nhân viên chức lao động ngành Nông nghiệp và PTNT được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

 

Sáu mươi bảy năm xây dựng và phát triển đã làm nên truyền thống vẻ vang của Công đoàn ngành Nông nghiệp Việt Nam. Phía trước là chặng đường mới đầy khó khăn thử thách, nhưng có nhiều thuận lợi và cơ hội để tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân viên chức lao động ngành Nông nghiệp và PTNT làm nên những thắng lợi mới, viết tiếp những trang truyền thống vẻ vang mới của ngành.

 

Nguồn: http://congdoannongnghiep.org.vn

 


Chia sẻ

Tin TỨC MỚi NHẤT

Lịch họp Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Công đoàn Trường ngày 10-7-2023

Lịch họp của BCH, BTV Công đoàn Trường nhiệm kỳ 2023-2028

9 tháng 7, 2023