Luật Công đoàn và một số nội dung có liên quan đến tổ chức công đoàn

9 tháng 9, 2016
Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012

LUẬT CÔNG ĐOÀN VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

 

A. LUẬT CÔNG ĐOÀN VÀ CÁC NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

1. Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 ..(tải tại đây).

2. Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều 10 của Luật Công đoàn...(tải tại đây).

3. Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn...(tải tại đây).

 

B. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ TRONG LUẬT CÔNG ĐOÀN

CH: Công đoàn có bao nhiêu nội dung trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đánh của người lao động ? gồm những nội dung gì?

TL: TạiĐiều 10 Luật Công đoàn qui định

1. Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.

2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể.

3. Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động. 

4. Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.

5. Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động.

6. Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động. 

7. Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.

8. Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.

9. Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động.

10. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

CH: Những quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động?

TL:

- Trong phạm vi chức năng của mình, Công đoàn tham gia kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hợp đồng lao động, tuyển dụng, cho thôi việc, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội và các chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

- Trước khi quyết định các vấn đền về tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, thi hành kỷ luật đến mức buộc người lao động thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn thì người sử dụng lao động phải thảo luận, nhất trí với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở.

- Người sử dụng lao động phải trả lời cho Công đoàn biết kết quả giải quyết những kiến nghị do Công đoàn đưa ra, nếu còn nội dung không giải quyết được phải nói rõ lý do.

- Khi cần thiết, Công đoàn tổ chức đối thoại giữa tập thể lao động với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan để giải quyết các vấn đền liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

CH: Quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong lĩnh vực bảo đảm an toàn vệ sinh lao động?

TL:

- Công đoàn phối hợp với cơ quan Nhà nước nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật bảo hộ lao động, xây dựng các tiêu chuẩn, quy phạm công tác an toàn vệ sinh công nghiệp.

- Công đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động; có quyền yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động.

- Công đoàn được tham gia điều tra các vụ tai nạn lao động, có quyền yêu cầu cơ quan nhà hoặc Toà án xử lý người chịu trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.

CH: Trách nhiệm của công đoàn các cấp về việc tiếp đoàn viên và người lao động được pháp luật quy định như thế nào? 

TL: Ngày 10/5/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Điều 10- Luật công đoàn về quyền, trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng  của người lao động.

Công đoàn cơ sở tại đơn vị sử dụng lao động có quyền, trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về các vấn đề: hình thức, nguyên tắc, loại hợp đồng, nội dung hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên về cung cấp thông tin, thời gian thử việc, thời gian tập sự và những vấn đề liên quan khi giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; nghĩa vụ thực hiện công việc theo hợp đồng, trình tự, thủ tục trong trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác; trình tự, thủ tục, các chế độ chính sách đối với người lao động khi phát sinh sửa đổi, bổ sung, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng…

CH: Luật Công đoàn năm 2012 quy định như thế nào về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của công đoàn, hệ thống tổ chức công đoàn?

TL:

Điều 6 Luật Công đoàn năm 2012 quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn như sau:

Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Điều 7 Luật Công đoàn năm 2012 quy định hệ thống tổ chức công đoàn gồm có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Công đoàn cơ sở được tổ chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. 

CH: Luật Công đoàn năm 2012 quy định như thế nào về tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động của tổ chức công đoàn?

TL: Điều 15 Luật Công đoàn năm 2012 quy định việc tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động của tổ chức công đoàn như sau:

- Tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn.

- Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

- Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

 

Nguồn: Văn phòng Công đoàn Trường Đại học Lâm nghiệp sưu tầm


 

 

 

 


Chia sẻ

Tin TỨC MỚi NHẤT

Lịch họp Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Công đoàn Trường ngày 10-7-2023

Lịch họp của BCH, BTV Công đoàn Trường nhiệm kỳ 2023-2028

9 tháng 7, 2023