Tuyên truyền kết quả Đại hội XII Công đoàn Việt Nam

14 tháng 10, 2018
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 24 - 26/9/2018 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Việt Nam và đã thành công tốt đẹp.

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là Đại hội "Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm", khẳng định quyết tâm của các cấp Công đoàn, toàn thể cán bộ công đoàn tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam lớn mạnh, tạo bước phát triển mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; mang lại nhiều lợi ích cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động phát triển bền vững, phát huy vai trò quan trọng của công nhân, viên chức, lao động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Để tuyên truyền rộng rãi kết quả Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Ban Thường vụ Công đoàn Trường đề nghị các cấp Công đoàn trực thuộc tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong CBVC, LĐ về kết quả Đại hội XII Công đoàn Việt Nam gắn với tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gồm những nội dung sau:

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là Đại hội "Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm", khẳng định quyết tâm của các cấp công đoàn, toàn thể cán bộ công đoàn tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam lớn mạnh, tạo bước phát triển mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên, thể hiện rõ nét nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, xây dựng quan hệ lao động phát triển bền vững, phát huy vai trò quan trọng của công nhân, viên chức, lao động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

A. VỀ CHƯƠNG TRÌNH, ĐẠI BIỂU DỰ ĐẠI HỘI

1. Thời gian, địa điểm, chương trình Đại hội:

- Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 24/9 đến ngày 26/9/2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội.

- Chương trình Đại hội:

Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với đại biểu dự Đại hội; Đại hội thảo luận, biểu quyết thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Phiên trọng thể: Báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI; đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội; Bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII. Đại hội thảo luận tại 12 Trung tâm; Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII ra mắt Đại hội; Đại hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội; bế mạc Đại hội.

2. Đại biểu khách mời:

Các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí  lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Bí thư tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố, các đảng ủy, tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Tổng Liên đoàn; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn qua các thời kỳ; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa XI; đại diện lãnh đạo TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; đại biểu khách mời quốc tế.

3. Đại biểu Đại hội:

Tham dự Đại hội có 946 đại biểu chính thức đại diện cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước.

B. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA ĐẠI HỘI

I. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM LẦN THỨ XI (2013 - 2018)

Hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới, bước đầu tạo sự khác biệt giữa người lao động là đoàn viên công đoàn với người lao động chưa là đoàn viên công đoàn, tạo sự lan tỏa rộng và sức thu hút của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, năm Vì lợi ích đoàn viên công đoàn lần đầu tiên được tổ chức, Tháng Công nhân,  "Tết Sum vầy", "Mái ấm Công đoàn"  và nhiều hoạt động ý nghĩa khác được nâng tầm hiệu quả, đã góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Việc tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tổ chức đầu tư, xây dựng các thiết chế tại những địa phương có nhiều bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, giải trí của công nhân; tham gia cùng chính quyền các địa phương và doanh nghiệp giải quyết các nhu cầu thiết yếu về đời sống của người lao động là những việc làm thực sự thiết thực, hiệu quả, chăm lo thực chất hơn cho đoàn viên, người lao động. Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động với 521 văn bản góp ý kiến, đề xuất; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55% trong 5 năm qua.  Công tác thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể có chuyển biến mới. Đến nay, toàn hệ thống đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ. Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tiến hành các cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất. Trong 3 năm liên tiếp từ tháng 5/2016 đến 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 3 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo hiệu ứng để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động. Hoạt động tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn có chuyển biến tốt. Công tác tư vấn pháp luật được quan tâm thực hiện, nhiều nơi hoạt động hiệu quả. Việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động được các cấp công đoàn quan tâm thường xuyên, có nhiều đổi mới, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và người sử dụng lao động tham gia giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động tiếp tục tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống. Nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhân dịp các sự kiện chính trị, ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của Đảng, của Công đoàn được triển khai. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoànđược thực hiện với 647.203 cuộc tuyên truyền, thu hút 27.685.716 lượt đoàn viên, người lao động tham gia; biên soạn và phát hành khoảng 6 triệu tài liệu tuyên truyền. Việc "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, với gần 90 nghìn công nhân, viên chức, lao động và hàng nghìn tập thể điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng. Công đoàn đã chủ động triển khai các hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và 5 năm thực hiện Kết luận số 79-KL/TW. Hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động có sự chuyển biến quan trọng, bước đầu. Chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" do Tổng Liên đoàn phát động với nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, như việc quyên góp xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, công trình bệnh xá đảo Song Tử Tây; hỗ trợ quân nhân, thân nhân gia đình liệt sĩ Trường Sa, nghĩa sĩ Hoàng Sa, lực lượng tuần tra, kiểm soát các vùng biển, đảo Việt Nam, đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá… Chương trình "Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động" được duy trì, tham mưu đề xuất Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020", đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người lao động về nâng cao năng lực nghề nghiệp. Công tác dư luận xã hội và việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động được quan tâm. Việc khai thác thế mạnh của internet, mạng xã hội đề tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động bước đầu đạt hiệu quả.

Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực. Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa phong trào thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo"; phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"; phong trào "Xanh- Sạch- Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động", phong trào "văn hóa, thể thao"; động viên, cổ vũ đoàn viên, người lao động đăng ký hoàn thành 77.753 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi là 336.777 tỷ đồng; phát huy 1.170.884 sáng kiến với giá trị làm lợi 203.579 tỷ đồng…, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. 

Các hình thức tôn vinh, khen thưởng động viên người lao động có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất được các cấp công đoàn thực hiện với cách làm mới, thiết thực hiệu quả. Nhiều hoạt động tôn vinh để lại ấn tượng sâu sắc, điển hình là Chương trình Vinh quang Việt Nam- Dấu ấn 30 năm đổi mới.

Công tác nữ công tiếp tục được quan tâm và có chuyển biến quan trọng. Đã cụ thể hóa nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước về phụ nữ, bình đẳng giới, công tác gia đình và trẻ em, sức khỏe sinh sản, tích cực tham gia xây dựng chế độ, chính sách, pháp luật liên quan, tham gia giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong lao động nữ. Quan tâm chỉ đạo hoạt động nữ công ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; động viên, phát huy vai trò của nữ công nhân, viên chức, lao động ở cơ quan, đơn vị cũng như trong gia đình. Thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ.

Tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển,nâng cao chất lượng  và quản lý đoàn viên.  Triển khai phần mềm quản lý đoàn viên, tiến hành đổi thẻ đoàn viên, tích hợp thẻ đoàn viên có chức năng sử dụng ATM, gắn mã ID và mã Vpoint để hưởng các ưu đãi giảm giá theo Chương trình Phúc lợi đoàn viên đã làm cho công tác đoàn viên được tốt hơn, thiết thực, hiệu quả và hấp dẫn hơn với người lao động. Tính đến ngày 30/11/2017, cả nước có 10,05 triệu đoàn viên, tăng 2,1 triệu so với đầu nhiệm kỳ, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, chú trọng cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đã có kết quả bước đầu tích cực. Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ quan tham mưu, giúp việc công đoàn các cấp được triển khai từng bước theo hướng tinh gọn, tăng cường hoạt động hướng về cơ sở, đạt một số kết quả quan trọng. Trong nhiệm kỳ, 63/63 liên đoàn lao động địa phương hoàn thành việc sắp xếp lại, giải thể 631 công đoàn giáo dục cấp huyện, 83 công đoàn ngành địa phương có dưới 2.000 đoàn viên. Công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh có một số chuyển biến mới. Việc tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đạt một số kết quả; giới thiệu 387.380 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó đã có 276.192 đồng chí được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Các hoạt động này đã góp phần tham gia xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Hoạt động kiểm tra được chú trọng hơn và ngày càng đi vào nề nếp với việc giao nhiệm vụ giám sát và tăng thêm thẩm quyền cho Ủy ban kiểm tra, ban hành 6 văn bản quan trọng làm cơ ở pháp lý cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn. Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đã tiến hành 929.241 cuộc kiểm tra chấp hành Điều lệ, quản lý sử dụng tài chính và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng thực hiện, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ; tích cực phát hiện và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện vi phạm Điều lệ, Nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn, tăng cường phát triển đoàn viên; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn, hạn chế tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Công tác tài chính công đoàn có sự chuyển biến mới về tư duy, căn bản, toàn diện, theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả. Thu tài chính công đoàn tăng đều qua các năm và đột biến ở năm 2017, 2018; triển khai biện pháp thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua một tài khoản. Đổi mới phương pháp giao dự toán cho sát với tình hình thực tế. Công tác quản lý tài chính, tài sản được chú trọng, việc chấp hành chế độ kế toán và các quy định về quản lý tài chính từng bước đi vào nền nếp; xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân sai phạm. Công tác quản lý kinh tế công đoàn bước đầu đổi mới theo hướng thị trường, công khai, minh bạch, lấy hiệu quả kinh tế là thước đo hoạt động của các đơn vị.

Hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam đã bám sát chủ trương,đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng cường vị thế của Công đoàn Việt Nam trong phong trào công nhân và công đoàn quốc tế; tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong lĩnh vực lao động, công đoàn.

Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp công đoàn có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, khoa học, kịp thời, sâu sát, hướng về cơ sở, vì quyền lợi của người lao động. Hội nghị các Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương trước hội nghị Ban Chấp hành ở nửa cuối nhiệm kỳ đã tạo ra điểm nhấn trong công tác chỉ đạo hoạt động của công đoàn, tạo hiệu ứng, kết quả thiết thực.

Những kết quả toàn diện của hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động cả nước trong nhiệm kỳ qua đã có đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam.

II. MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2018 – 2023

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát:

Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1.2. Các chỉ tiêu chủ yếu

Đến năm 2023 kết nạp 2 triệu đoàn viên; thành lập tổ chức cơ sở của công đoàn ở 100% doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên, phấn đấu các doanh nghiệp có trên 10 lao động có tổ chức Công đoàn. Hàng năm bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu được ít nhất 01 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hàng năm có 80% trở lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại tốt; 80% trở lên công đoàn cơ sở khu vực nhà nước, 55% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước đạt vững mạnh. Triển khai đầu tư xây dựng tối thiểu 50 thiết chế của tổ chức Công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, tư vấn pháp luật... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, 70% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước thành lập được Ban Nữ công quần chúng theo qui định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Thu tài chính công đoàn đạt 90% trở lên so với số phải thu kinh phí và đoàn phí công đoàn theo qui định của pháp luật.Hàng năm, 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp. Hàng năm có từ 98% trở lên cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; từ 95% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 60% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động; từ 90% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Từ 70% trở lên doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó ít nhất 45% đạt loại B trở lên.

2. Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2018 – 2023

Một là, tập trung các nguồn lực và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp để củng cố, tăng cường sự gắn bó chặt chẽ với đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Hai là, đổi mới căn bản hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng phát triển các chương trình xuyên suốt toàn hệ thống như một chính sách an sinh xã hội của công đoàn phục vụ trực tiếp và đúng đối tượng, thực hiện đồng bộ giữa trách nhiệm và thụ hưởng, gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên và tổ chức công đoàn.

Ba là, thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động của tổ chức Công đoàn; tham gia xây dựng người lao động Việt Nam yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, lao động sáng tạo, tôn trọng pháp luật; phát triển các phương thức tuyên truyền có tác động nhanh, sức lan tỏa rộng và đưa các hoạt động văn hóa tinh thần đến đông đảo người lao động.

Bốn là, tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức thu hút, tập hợp người lao động tham gia tổ chức Công đoàn; tăng cường lợi ích thiết thực cho đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên và hiệu quả công tác quản lý đoàn viên; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoạt động; sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn các cấp; nâng cao chất lượng công tác xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; đẩy mạnh các hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Năm là, đổi mới việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát hợp từng đối tượng, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn, của đoàn viên, người lao động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Sáu là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp công đoàn trong tiến trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và đổi mới hoạt động nữ công, trọng tâm là các công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc giải quyết một số nhu cầu bức thiết của lao động nữ, phát huy vai trò lao động nữ tham gia phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới và xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Bảy là, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động theo đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia, nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam; vì lợi ích đoàn viên, người lao động vì sự phát triển của tổ chức Công đoàn.

Tám là, phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban kiểm tra Công đoàn, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phòng chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn; củng cố vững chắc uy tín của tổ chức và cán bộ Công đoàn.

Chín là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ công tác tài chính công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả để tăng cường, phát huy các nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn; phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Mười là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động Công đoàn theo hướng cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động; đồng thời, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và giải quyết kịp thời những bất cập, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của ban chấp hành công đoàn các cấp trước đoàn viên, người lao động.

Đại hội đề ra ba khâu đột phá:

1. Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động;

2. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ;

3. Xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

III. VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU LỆ CÔNG ĐOÀN VN

Đại hội đã thống nhất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam (hiện nay gồm 10 chương, 45 điều) thành 11 chương và 35 điều, tăng 01 chương, giảm 10 điều; Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung đảm bảo nguyên tắc các nội dung, quy định đã ổn định, khắc phục được những bất cập, tồn tại và phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; nhiều điều, khoản được gộp lại, đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học.

Một số điểm mới của Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung được Đại hội thông qua là:

- Sửa đổi chữ viết tắt "TLĐ" trong Huy hiệu thành chữ viết tắt "CĐVN";

- Bổ sung bài hát "Hãy hát lên bài ca Công đoàn" của Nhạc sĩ Lê Tú Anh làm bài hát truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam;

- Về đối tượng kết nạp đoàn viên Công đoàn, khuyến khích người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người lao động hợp pháp tại Việt nam tham gia các hình thức tập hợp của tổ chức Công đoàn Việt Nam;

- Quyền hạn và nhiệm vụ của đoàn viên được gộp trong 1 điều, trong đó quy định:

+ Đoàn viên được cấp thẻ và được hưởng ưu đãi khi sử dụng dịch vụ từ các thiết chế công đoàn, các hình thức liên kết, hợp tác khác của Công đoàn;

+ Đoàn viên bị mất việc làm được tạm dừng sinh hoạt công đoàn và tạm dừng đóng đoàn phí công đoàn nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày mất việc làm;

+ Bổ sung nhiệm vụ đoàn viên tham gia tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam và tham gia xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh;

- Về thủ tục gia nhập Công đoàn và chuyển sinh hoạt, bổ sung và quy định rõ: Đoàn viên được phát thẻ để sử dụng trong các hoạt động công đoàn. Việc quản lý và sử dụng thẻ do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quy định cho phù hợp với các loại hình thẻ đoàn viên điện tử và thẻ đoàn viên liên kết đang được Tổng Liên đoàn triển khai áp dụng hiện nay;

- Quy định rõ hệ thống tổ chức công đoàn gồm 4 cấp, trong đó làm rõ các loại hình của cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở.

- Thống nhất Đại hội công đoàn các cấp được tổ chức theo nhiệm kỳ 5 năm một lần và có hai hình thức: Đại hội đại biểu và đại hội toàn thể.

- Quy định nguyên tắc, hình thức bầu cử tại đại hội và hội nghị công đoàn, theo đó: Trong một số trường hợp có thể bầu cử bằng biểu quyết giơ tay theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, ở cấp trung ương do đại hội và hội nghị quyết định;

- Thống nhất quy định số lượng đoàn viên tối thiểu để được thành lập công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn cơ sở đều là 05 đoàn viên;

- Bổ sung quyền của ủy ban kiểm tra được xem xét, quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, đoàn viên công đoàn theo thẩm quyền quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn; Ủy ban kiểm tra công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn được sử dụng con dấu riêng.

IV. TỔNG HỢP KIẾN NGHỊ VỚI ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, CHÍNH PHỦ

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII kiến nghị với Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các ý kiến, kiến nghị tập trung vào 5 nhóm vấn đề:

1. Việc ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn.

2. Vấn đề hoàn thiện các quy định của pháp luật nói chung, đặc biệt là các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực quan hệ lao động, quyền và lợi ích của người lao động.

3. Việc thực thi các quy định pháp luật đối với người lao động và tổ chức Công đoàn.

4. Vấn đề triển khai các giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

5. Về tổ chức, hoạt động và đảm bảo điều kiện hoạt động của Công đoàn Việt Nam và một số nội dung cụ thể khác.

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp và báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể Đại hội nội dung các kiến nghị:

Thứ nhấtvề việc ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng: Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và định kỳ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Chỉ thị số 22 -CT/TW ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư (khoá X) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; Kết luận số 96-KL/TW ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW; Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thứ haivề việc xem xét tính đặc thù của tổ chức Công đoàn Việt Nam so với các đoàn thể chính trị khác. Trong quá trình xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 6, 7 (khóa XII) và định hướng sửa đổi Quyết định 282-QĐ/TW ngày 01/4/2015 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện

Thứ ba, về chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật: Quôc hội và Chính phủ quan tâm đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn. Các dự thảo luật cần được lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp, các quy định pháp luật đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận trong quá trình xây dựng và thông qua các dự án luật; đảm bảo tính thống nhất, ổn định và từng bước hiện đại hệ thống pháp luật…

Thứ tư, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với tổ chức công đoàn, giúp công nhân Việt Nam hội nhập, phát triển và được thụ hưởng xứng đáng những thành quả lao động mà họ nỗ lực làm nên, để giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử to lớn - lãnh đạo cách mạng Việt Nam thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ năm, về công tác quản lý nhà nước về lao động và bảo hiểm xã hội. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý nhà nước về lao động và bảo hiểm xã hội; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động.

Thứ sáu, về vấn đề xây dựng các thiết chế công đoàn. Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương quan tâm đầu tư kinh phí, bố trí đất đai và chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các thiết chế công đoàn dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, nhất là nhà ở, trường học, trạm y tế, siêu thị, nơi vui chơi giải trí, góp phần nâng cao đời sống công nhân, giúp công nhân yên tâm làm việc, đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp và đất nước.

Thứ bảy, về đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động. Trung ương và các địa phương cần đề ra các giải pháp hữu hiệu đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động tại nơi làm việc và nơi ở. Sửa đổi, bổ sung các quy định buộc người sử dụng lao động phải đảm bảo môi trường làm việc thực sự an toàn cho người lao động, nghiêm cấm các hành vi xúc phạm, ép buộc hoặc quấy rối tình dục ở nơi làm việc; đảm bảo an toàn tại các khu nhà trọ. Xử lý nghiêm các hành vi đánh bạc, trộm cắp, lừa đảo, tệ nạn xã hội, cho vay nặng lãi đang tấn công công nhân ở các khu nhà trọ.

Thứ tám, về nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, ban hành các chính sách có tính đột phá về đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động và tổ chức thực hiện hiệu quả trên thực tế. Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung,đào tạo kỹ năng; đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường; có chế tài buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo người lao động.

Thứ chín, về tạo việc làm và thu hút người lao động vào khu vực chính  thức. Tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, đầu tư ra nước ngoài, mở rộng địa bàn và đẩy mạnh xuất khẩu lao động để tạo việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời ban hành các chính sách, pháp luật nhằm thu hút người lao động vào khu vực chính thức, đảm bảo an sinh xã hội cho đông đảo người lao động.

Thứ mườivề công tác quản lý nhà nước về đầu tư. Việc ban hành các chính sách thu hút đầu tư phải thực sự  khoa học, chặt chẽ, có tính chọn lọc. Các bộ, ngành, địa phương khi thẩm định, đánh giá, lựa chọn các dự án đầu tư, cần chú ý đến năng lực tài chính, năng lực quản trị doanh nghiệp, công nghệ, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật. Kiên quyết không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp không chấp hành các quy định pháp luật, nhất là pháp luật Lao động và Công đoàn; hoặc doanh nghiệp có chủ bỏ trốn; giảm dần các doanh nghiệp thâm dụng lao động.

C. VỀ KẾT QUẢ BẦU CỬ BAN CHẤP HÀNH, ĐOÀN CHỦ TỊCH, CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH, ỦY BAN KIỂM TRA TỔNG LIÊN ĐOÀN

1. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Đại hội quyết định số lượng Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII là 175 ủy viên, tại Đại hội bầu 161 ủy viên, khuyết 14 ủy viên sẽ kiện toàn trong nhiệm kỳ.

2. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Đại hội đã thống nhất số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII là 27 ủy viên, tại Đại hội đã bầu 22 ủy viên, khuyết 05 ủy viên cơ cấu tại các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn sẽ kiện toàn sau.

3. Bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch

- Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Các đồng chí: Trần Thanh Hải, Trần Văn Thuật, Ngọ Duy Hiểu, Phan Văn Anh được bầu làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

4. Bầu Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn:

Đại hội thống nhất số ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn là 17 ủy viên, tại Đại hội bầu 16 ủy viên, khuyết 01 ủy viên sẽ bổ sung sau khi có nhân sự đủ điều kiện; đồng chí Tạ Văn Đồng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII.

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã thành công tốt đẹp, đề nghị các cấp công đoàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến kết quả Đại hội, Nghị quyết Đại hội thật sâu rộng trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội của các cấp công đoàn./.

Nguồn: Văn phòng Công đoàn Trường ĐHLN


Chia sẻ

Tin TỨC MỚi NHẤT

Lịch họp Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Công đoàn Trường ngày 10-7-2023

Lịch họp của BCH, BTV Công đoàn Trường nhiệm kỳ 2023-2028

9 tháng 7, 2023